Xây dựng mô hình nghiên cứu và bảng câu hỏi là một trong các bước cực kỳ quan trọng của một bài nghiên cứu Marketing. Đa phần các bạn sinh viên Cao đẳng - Đại học, các sinh viên Cao học làm luận văn thường tham khảo các mô hình + bảng câu hỏi có sẵn của các tác giả trước để áp dụng vào bài luận của mình.
Việc tham khảo các nghiên cứu có sẵn giúp học viên tiết kiệm thời gian + chi phí nghiên cứu khá nhiều. Tuy nhiên, một số dạng nghiên cứu lại không có mô hình có sẵn, cho nên buộc người làm nghiên cứu phải đi tìm các cơ sở lý thuyết để đưa ra mô hình nghiên cứu. Một vấn đề nhầm lẫn thường xảy ra lúc tạo mô hình mới có biến độc lập tác động NGHỊCH CHIỀU đến biến phụ thuộc, đó là các bạn đặt sai câu hỏi biến quan sát của nhóm nhân tố này.
Ví dụ mô hình dưới đây, các biến độc lập của mình ở bên trái tác động đến biến phụ thuộc bên phải là Ý định thanh toán bằng thẻ ATM (dấu - thể hiện chiều tác động nghịch):
- Giả thuyết H1: Hiệu quả mong đợi tác động thuận chiều tới biến phụ thuộc Ý định thanh toán bằng thẻ ATM.
- Giả thuyết H2: Nỗ lực lực mong đợi tác động thuận chiều tới biến phụ thuộc Ý định thanh toán bằng thẻ ATM.
- Giả thuyết H3: Ảnh hưởng xã hội tác động thuận chiều tới biến phụ thuộc Ý định thanh toán bằng thẻ ATM.
- Giả thuyết H4: Chi phí chuyển đổi tác động nghịch chiều tới biến phụ thuộc Ý định thanh toán bằng thẻ ATM.
- Giả thuyết H5: Chính sách dịch vụ tác động thuận chiều tới biến phụ thuộc Ý định thanh toán bằng thẻ ATM.
Ở đây, chúng ta kỳ vọng biến Chi phí chuyển đổi tác động nghịch chiều đến Ý định thanh toán bằng thẻ ATM . Trên thực tế, khi chúng ta đi mở thẻ ATM nếu mất quá nhiều khoản phí, hoặc chi phí cao thì thay vì dùng thẻ, chúng ta thường sẽ chuyển sang sử dụng các hình thức thanh toán khác. Như vậy chi phí tăng đã làm giảm ý định thanh toán bằng thẻ ATM của chúng ta. Khi biến độc lập tăng làm cho biến phụ thuộc giảm hoặc ngược lại, biến độc lập giảm làm cho biến phụ thuộc tăng thì biến độc lập đó tác động nghịch tới biến phụ thuộc.
Mình trích ra các câu hỏi quan sát trong 2 nhóm nhân tố: 1 tác động thuận, 1 tác động nghịch đến biến phụ thuộc.
(Đánh giá của đáp viên được thể hiện qua 5 mức độ theo thang đo Likert: 1-rất không đồng ý, 2-không đồng ý, 3-không ý kiến, 4-đồng ý, 5-rất đồng ý).
BIẾN TÁC ĐỘNG THUẬN: HIỆU QUẢ MONG ĐỢI:
Mình là một người được khảo sát, mình khá hài lòng về hình thức thanh toán qua thẻ ATM. Với các biến quan sát trong nhóm Hiệu quả mong đợi, mình cho điểm Likert giống như hình trên, đa phần đều đồng ý với tiêu chí của biến quan sát đưa ra.
BIẾN TÁC ĐỘNG NGHỊCH:
Cũng dưới góc độ của một người đáp viên, nhóm biến quan sát này mình đa phần cho điểm là 3, 4, 5 vì mình tương đối hài lòng với việc thanh toán bằng thẻ ATM vì có nhiều ưu đãi chi phí được liệt kê trong bảng câu hỏi. Tuy nhiên, điều này lại vi phạm nguyên tắc tác động NGƯỢC CHIỀU như bạn kỳ vọng. Lý do tại sao, mời các bạn xem tiếp nhóm biến phụ thuộc.
BIẾN PHỤ THUỘC: Ý ĐỊNH THANH TOÁN BẰNG THẺ ATM:
Mình khá hài lòng về hình thức thanh toán qua thẻ ATM do đó ở nhóm biến phụ thuộc Ý định thanh toán bằng thẻ ATM, mình cũng cho hầu hết là 3, 4, 5.
Tới đây, các bạn nhìn kỹ lại một tí:
- Biến phụ thuộc Ý định: Đa phần là 3, 4, 5
- Biến tác động thuận Hiệu quả mong đợi: Đa phần là 3, 4, 5
- Biến tác động nghịch Chi phí chuyển đổi: Đa phần là 3, 4, 5
Với 1 người không thích thanh toán bằng ATM sẽ cho điểm biến CHI PHÍ tác động nghịch là 1, 2, 3 bởi họ không đồng ý với các tiêu chí đưa ra. Và khi đó nhóm phụ thuộc Ý ĐỊNH cũng vậy, họ sẽ gần như không có ý định thanh toán bằng thẻ ATM, điểm nhóm này cũng đa phần 1, 2, 3.
Với 1 người thích thanh toán bằng ATM sẽ cho điểm biến CHI PHÍ tác động nghịch là 3, 4, 5 bởi họ đồng ý với các tiêu chí đưa ra. Và khi đó nhóm phụ thuộc Ý ĐỊNH cũng vậy, họ sẽ ủng hộ việc thanh toán bằng thẻ ATM bằng cách cho điểm 3, 4, 5.
Trên thực tế, thanh toán thẻ ATM mà mất nhiều chi phí thì ý định sử dụng thẻ sẽ giảm đi. Nghĩa là nếu biến chi phí điểm 4, 5 thì biến ý định phải 1, 2 mới đúng chứ. Ở đây, biến tác động thuận cũng như biến tác động nghịch, biến phụ thuộc đều cùng chung mức điểm với nhau, cùng thuộc nhóm 1, 2, 3 (với ai không thích thanh toán bằng ATM) hoặc cùng thuộc nhóm 3, 4, 5 (nếu ai thích thanh toán bằng ATM). Có sự mâu thuẫn nào ở đây không?????
Trục trặc chính là ở khâu đặt câu hỏi biến tác động nghịch. Chúng ta đã vô tình lái một nhân tố phủ định sang hướng khẳng định dẫn tới sai sót.
Biến CHI PHÍ CHUYỂN ĐỔI là một biến phủ định bởi trên thực tế nó làm giảm ý định sử dụng ATM. Tuy nhiên với cách đặt câu hỏi như ở trên, bạn đã phủ định biến phủ định để làm nó trở thành biến khẳng định, như vậy là sai. Dưới đây là một cách đặt biến quan sát đúng:
Với 1 người thích thanh toán bằng ATM như mình sẽ cho điểm:
- Biến tác động thuận Hiệu quả mong đợi: Đa phần là 3, 4, 5
- Biến tác động nghịch Chi phí chuyển đổi: Đa phần là 1, 2, 3
- Biến phụ thuộc Ý định: Đa phần là 3, 4, 5
Cá nhân mình, mình có ý định tiếp tục thanh toán bằng thẻ ATM vì ngoài các yếu tố thuận lợi khác, chi phí mình bỏ ra cũng không đáng kể. Mình mất rất ít chi phí khi mở thẻ, chi phí duy trì, mình cũng không bị tính lãi suất cho vay thấu chi gì hết... Như các bạn thấy, chi phí chuyển đổi thấp đã khiến mình tăng ý định sử dụng thẻ ATM lên. Đây chính là nguyên tắc tác động nghịch khi các bạn đặt giả thuyết và lập bảng câu hỏi nghiên cứu.